
Mua robot hút bụi cần chú ý gì để không phí tiền
30/11/2020
Vì sao mình thích đồ gia dụng Smart Home Xiaomi
30/11/2020Mình quyết định mua thêm con Mi Vacuum Mop-P, phiên bản “pro” của chiếc Mop hôm bữa mình trên tay cho anh em xem, để dùng cho nhà mới của mình. Con Mop-P này có giá 9,9 triệu nhưng hôm qua mình mua chỉ có 7,9 triệu thôi, giảm giá 2 triệu theo chương trình khuyến mãi của Xiaomi. Mop-P có cảm biến LIDAR để định vị chính xác và di chuyển tốt hơn, có chức năng lau & hút riêng, có khả năng di chuyển theo hình xương cá mô phỏng lại cách bạn lau nhà để dọn dẹp sạch hơn.
Tối hôm qua mình vừa mua về là đã cho nó chạy scan cả nhà rồi, nôn quá mà 😁 Cơ bản thì chức năng hút bụi của nó khá là cơ bản rồi, giống với nhiều con robot hút bụi khác trên thị trường hay các con robot khác của Xiaomi. Mình sẽ đi thẳng vào những điểm khác biệt của nó nha.
Thứ nhất là cảm biến LIDAR. Đợt này Xiaomi bán ra hai chiếc máy hút bụi, một chiếc Mop và chiếc Mop-P. So với việc định vị bằng camera và cảm biến tiệm cận của Mop, cảm biến LIDAR giúp robot scan được bản đồ nhanh hơn rất nhiều nhờ việc phát tia laser ra môi trường và ghi nhận ánh sáng phản xạ để hình thành nên không gian và đồ đạc trong nhà. Hôm bữa con Mop đi cả buổi mới quét được bản đồ nhà mình, còn con Mop-P nó đi một vòng thì scan xong rồi, và nó có thể bắt đầu chạy hút bụi sớm hơn.
Ngoài ra, mình còn để ý rằng con Mop-P di chuyển nhanh và ít đụng chạm hơn so với con Mop, ngoài ra thuật toán của Mop-P dường như đã được cải tiến khá nhiều nên quỹ đạo di chuyển của Mop-P có vẻ gọn gàng và hợp lý hơn so với chiếc Xiaomi Gen 2 cũ của mình.
Điểm mới thứ hai đó là bạn sẽ có tới 2 khay chứa bụi khi mua con Mop-P, cả hai đều được bán kèm trong hộp rồi. Một khay chỉ để chứa bụi, và một khay vừa chứa bụi vừa chứa nước để phục vụ chức năng lau nhà. Cũng vì vậy mà trong app Mi Home bạn có thể cài đặt chế độ hút, lau hoặc vừa hút vừa lau riêng lẻ. Tính năng này mình chưa từng thấy ở bất kì con robot nào khác của Xiaomi mà mình từng xài qua.
Khay hút bụi của Mop-P có dung tích 550ml (lớn hơn mức 480ml của chiếc robot Xiaomi gen 2, nhưng nhỏ hơn mức 600ml của chiếc Mop), còn khay vừa hút vừa lau thì mình chưa tìm được thông số nhưng cơ bản nó dọn được căn hộ chung cư của mình mà không cần thay nước thì thấy yên tâm (92 mét vuông, diện tích dọn thực tế vào khoảng 50 mét vuông). Mình đọc trên web của họ thì thấy rằng Xiaomi có bán riêng một khay chuyên đựng nước nữa cơ, cũng có dung tích 550ml luôn nhưng cái này bạn phải mua thêm, mình sẽ đi mua về test thử sau.
Mop-P cho phép bạn chỉnh mức nước giống như Mop, có mức ít, vừa và nhiều. Mình thì set thành mức nhiều để lau cho sạch, và mình thấy lượng nước con robot tiết ra nhiều hơn cả con Mop nữa. Sàn ướt thật sự luôn, và nó sẽ làm hài lòng các anh em nào lười lau nhà 😀 Lau xong nó sạch thật sự, chứ phải chỉ lau sơ như con Xiaomi Gen 2. Chủ yếu mình mua con Mop-P này vì chức năng lau nhà của nó, chứ hút bụi thì giờ con nào cũng như nhau thôi.
Điểm thứ ba mình ấn tượng ở con robot này đó là cách di chuyển theo kiểu xương cá của nó. Xiaomi gen 2 hay Xiaomi Mop đều chỉ có thể di chuyển theo đường thẳng, còn con robot này nó sẽ đi thẳng, sau đó giật lùi, sau đó đi thẳng tiếp. Thao tác này giống với khi bạn cầm cây lau nhà làm vệ sinh, và nó sẽ “cover” được diện tích sàn nhiều hơn. Tất nhiên việc di chuyển theo kiểu này sẽ tốn thời gian hơn, nhưng nhà bạn sẽ sạch hơn nhiều. Đảm bảo nó làm kĩ hơn bạn tự lau, tự quét nhà luôn.
Mình chưa tìm ra chỗ chỉnh lại cho robot chỉ đi thẳng, có vẻ như là không có? Anh em nào biết thì hãy chỉ mình bằng cách comment vào bài viết này nhé.
Con robo Mi Mop-P này có đầy đủ mọi chức năng bạn mong muốn ở một con robot hút bụi hiện đại, ví dụ như hẹn giờ tự hoạt động, vẽ tường ảo (hoặc dùng băng keo từ tính để chặn không cho robot vào), chỉ định các khu vực giới hạn không cho robot đi vô… Mấy cái này thì tính năng cơ bản rồi nên con robot hút bụi Xiaomi mới nào cũng có hết.